Thứ năm, 12/08/2021
Các công ty Đông Nam bộ có kết quả sản xuất kinh doanh tốt, thu nhập ổn định

CSVNO – Đó là thông tin tại cuộc họp trực tuyến giữa ban lãnh đạo, các ban nghiệp vụ chuyên môn Tập đoàn với các đơn vị miền Đông Nam bộ, vào ngày 11/8. Tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị Đông Nam bộ rất khả quan, các chỉ tiêu về sản lượng, giá bán và thu nhập của người lao động đều cao hơn so với cùng kỳ năm 2020.


Quang cảnh buổi họp trực tuyến
Kết quả sản xuất kinh doanh ổn định

Thời tiết trong 7 tháng đầu năm ở khu vực Đông Nam bộ (ĐNB) có nhiều thuận lợi hơn so với mọi năm, vườn cây ít bị bệnh phấn trắng, đa số vườn cây khai thác bộ lá tương đối ổn định. Tình hình giá bán mủ duy trì ổn định và vượt mức dự báo, tạo thuận lợi cho các đơn vị trong công tác tiêu thụ.

7 tháng đầu năm 2021, tổng diện tích các công ty ĐNB trên 145.375 ha; trong đó, khai thác trên 89.000 ha, KTCB 51.265 ha (vượt 0,3% KH), tái canh 5.032 ha (đạt 90,8% KH). Tổng sản lượng cao su 100.249 tấn (đạt 48,1% KH); trong đó, khai thác 66.209 tấn (đạt 44,6% KH), thu mua 34.039 tấn (đạt 56,7% KH); chế biến 111.663 tấn (đạt 51,5% KH); tiêu thụ 109.658 tấn (đạt 50% KH). Doanh thu trên 5.637 tỷ đồng (đạt 45,2% KH); trong đó, doanh thu cao su trên 4.710 tỷ đồng (đạt 54,9% KH), giá bán bình quân gần 43 triệu đồng/tấn (vượt 15% KH). Lợi nhuận trước thuế 1.209 tỷ đồng (đạt 30,1% KH).


Cao su Dầu Tiếng đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho hơn 79% người lao động

Tổng số lao động của các công ty ĐNB là 28.719 người; trong đó, lao động trực tiếp 21.818 người, lao động gián tiếp 6.901 người. Trong 7 tháng đầu năm, kết quả SXKD tương đối khả quan nên tiền lương, thu nhập của NLĐ duy trì ổn định, thu nhập bình quân trên 7,5 triệu đồng/người/tháng.


Về công tác nông nghiệp, các công ty đang đẩy nhanh công tác thanh lý cưa cắt để tập trung cho tái canh. Đến nay, diện tích đã thực hiện tái canh là 5.032 ha (đạt 91% KH). Vườn cây KTCB tiếp tục duy trì công tác chăm sóc đúng quy trình, áp dụng các biện pháp kỹ thuật đảm bảo vườn cây phát triển tốt, ổn định. Tiếp tục tăng cường công tác phòng chống cháy vườn cây. Các công ty đang chuẩn bị công tác bón phân đợt 1 cho vườn cây kinh doanh và KTCB thực hiện đúng tiến độ.


Quang cảnh cuộc họp trực tuyến ở Cao su Phước Hòa

Về 2 đơn vị sự nghiệp, Viện Nghiên cứu Cao su có tổng doanh thu 7 tháng đầu năm đạt 12,477 tỷ đồng (đạt 16,9% KH). Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên hoạt động đào tạo có một số thay đổi về thời gian và hình thức đào tạo; kết quả tuyển sinh dài hạn 434/500 (đạt 86,8% KH), ngắn hạn 10.207/8.953 (vượt 14% KH); doanh thu 38,4 tỷ đồng (đạt 85% KH).


Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Cao su Bình Long
Xây dựng kịch bản phù hợp để ứng phó dịch bệnh

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia, Tập đoàn, địa phương, các công ty đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và nghiêm túc triển khai thực hiện các biện pháp, phương án và xây dựng kịch bản phù hợp để ứng phó với dịch bệnh.

Đồng thời quán triệt toàn bộ NLĐ nghiêm túc thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, khai báo y tế đầy đủ đầy đủ khi di chuyển từ nơi khác về, làm theo hướng dẫn của Bộ Y tế đảm bảo an toàn hoạt động sản xuất hiệu quả không có dịch bệnh tại các đơn vị; tạo điều kiện mọi mặt để công nhân yên tâm công tác, tổ chức tốt cơ sở vật chất để công nhân thực hiện 3 tại chỗ an toàn, hiệu quả. Ngoài ra, các công ty cũng tích cực hỗ trợ địa phương trong công tác phòng chống dịch Covid-19.


Hơn 200 CNLĐ đảm bảo an toàn “3 tại chỗ” ở Cao su Đồng Phú

Tại cuộc họp, các đơn vị đã trình bày những kiến nghị đề xuất đề nghị Tập đoàn hỗ trợ nhằm giúp đơn vị tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất. Cụ thể như: Cho phép bổ sung chi phí phòng chống Covid-19 vào chi phí giá thành. Sớm có hướng dẫn, qui định cho công ty trong việc tính toán, mua sắm, thanh toán chính sách chế độ cho NLĐ liên quan đến phòng chống dịch. Cho phép tăng tiền lương cho NLĐ trong điều kiện tổ chức sản xuất an toàn ngay trong tháng 9 để kịp thời kích thích tăng sản lượng mới kịp hoàn thành kế hoạch 2021. Kiến nghị Chính phủ có các chính sách hỗ trợ liên quan đến phòng chống Covid-19 nhằm giảm thiệt hại cho doanh nghiệp và NLĐ như miễn, hoãn nộp thuế, chưa điều chỉnh đơn giá thuê đất năm 2021 (áp dụng như năm 2020).

Kiến nghị lãnh đạo Tập đoàn có ý kiến với chính quyền địa phương các tỉnh sớm xem xét tạo điều kiện cho các công ty cao su được phép dừng thực hiện sản xuất chế biến mủ theo phương án “3 tại chỗ” khi tỉnh không còn tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. Tập đoàn tiếp tục quan tâm và làm việc với UBND các tỉnh để hỗ trợ, giúp đỡ NLĐ được tiêm ngừa vaccine Covid-19 để đảm bảo hoạt động SXKD không bị gián đoạn, giúp các đơn vị hoàn thành kế hoạch được giao.


Quang cảnh cuộc họp trực tuyến ở Cao su Phú Riềng
Quyết liệt thực hiện, hoàn thành cao nhất kế hoạch năm 2021

Tại cuộc họp, các đồng chí lãnh đạo phụ trách lĩnh vực đã tập trung chỉ đạo các đơn vị ĐMB tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ kép “vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh”. Ở lĩnh vực nông nghiệp, ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG, phát biểu: Các công ty ĐNB thực hiện rất tốt công tác nông nghiệp trong 7 tháng đầu năm. Số liệu thống kê đến ngày 9/8, khu vực ĐNB khai thác đạt 47,1% KH (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020), chiếm 40% sản lượng toàn Tập đoàn. Với năng suất kế hoạch là 1,67 tấn, theo tính toán thì năm 2021 khu vực ĐNB sẽ đạt trên 1,75 tấn. Đây là những con số rất khả quan. Đến nay, có 6 đơn vị trên 50% là Bình Long, Phú Riềng, Phú Thịnh, Tây Ninh, Đồng Phú. Đơn vị có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ là Phú Thịnh trên 18,5%, Tân Biên trên 18%, Hòa Bình trên 17%, Đồng Phú trên 15%. Như vậy, các đơn vị này đã có sự củng cố và gia tăng sản lượng rất cao. Các đơn vị tăng tốt là Lộc Ninh, Phước Hòa, Đồng Nai (13%), Viện Nghiên cứu (12%).


Cao su Lộc Ninh thường xuyên tổ chức xét nghiệm nhanh Covid-19 cho người lao động

“Quý III, Ban Quản lý Kỹ thuật Tập đoàn sẽ bám sát KH trên 30% cho các đơn vị. Với tốc độ khai thác hiện nay, dự kiến năm 2021, khu vực ĐNB sẽ đạt 103 – 104% KH sản lượng, vượt trên 6.000 tấn. Đây là dự báo có tính khả thi rất cao. Đề nghị các đơn vị ra sức tập trung lao động sản xuất” – ông Tú nhận định.

Ở lĩnh vực chế biến, ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG, đề nghị: Với tình hình hiện nay, có một số khu vực công nhân ngừng khai thác, về nguyên liệu sẽ bị ảnh hưởng, chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến công tác chế biến và tiêu thụ. Tuy nhiên, nếu nhà máy dừng sản xuất thì sẽ thiệt hại rất lớn cho công ty. Các đơn vị phải đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch ở các nhà máy chế biến, cố gắng duy trì hoạt động. Tôi ủng hộ “3 tại chỗ” đối với các nhà máy thực hiện tốt.


Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại Cao su Đồng Nai

“Với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, công tác kiểm tra hoạt động chế biến sẽ bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, Tập đoàn đã ban hành công văn 2424 ngày 7/8, ban hành các tiêu chí và biểu mẫu đánh giá nhà máy chế biến, tần suất kiểm tra… Với mục đích giúp cho các đơn vị chủ động trong việc kiểm soát và nâng cao chất lượng chế biến” – ông Trung cho biết.

Ở lĩnh vực tiêu thụ, ông Trần Thanh Phụng – Phó TGĐ VRG, nhận định: Khu vực ĐNB có tình hình sản xuất kinh doanh khá tốt. Tính đến hết tháng 7, ĐNB tiêu thụ trên 50% KH, tiến độ rất tích cực. Đặc biệt giá bán bình quân 42,6 triệu, so với giá bán KH được giao là 37 triệu. Giá bán này dự báo sẽ duy trì tốt đến cuối năm. Đến thời điểm nay, ĐNB không có công ty nào tồn kho, thậm chí nhiều đơn vị phải ngừng chào hàng. Về vận chuyển, toàn Tập đoàn hiện nay 1 tuần giao hơn 10.000 tấn, Chính phủ đã có chính sách vùng xanh cho xuất nhập khẩu, cho nên chỉ có một vài trường hợp bị ảnh hưởng là do chưa nắm rõ, chưa thực hiện đầy đủ thủ tục như Chính phủ yêu cầu. Tôi thấy vấn đề vận chuyển hiện nay khá thuận lợi, chứ không có khó khăn gì. Đề nghị các đơn vị làm việc cụ thể với đơn vị vận chuyển, về việc đăng ký vùng xanh với các Sở giao thông… để khai thông vận chuyển.


Cao su Phước Hòa đưa vào sử dụng đồng loạt buồng khử khuẩn di động đa năng

Phát biểu tại cuộc họp, Phó TGĐ VRG Lê Thanh Hưng, cho biết: Chính phủ đã có Nghị định 68 ngày 1/7/2021 với 12 nhóm chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động. Đề nghị các đơn vị tham khảo nghị định và có bổ sung gửi văn bản về Tập đoàn. Về kiến nghị các chính sách hỗ trợ liên quan đến phòng chống Covid-19 nhằm giảm thiệt hại cho doanh nghiệp và NLĐ như miễn, hoãn nộp thuế, chưa điều chỉnh đơn giá thuê đất năm 2021 (áp dụng như năm 2020); vừa qua, tỉnh Bình Phước có kỳ họp làm việc vào ngày 8/8 với các doanh nghiệp sẽ có 2 hướng giải quyết hỗ trợ cho các doanh nghiệp sắp tới. Trên cơ sở này, Tập đoàn cũng sẽ có văn bản hướng dẫn về việc Chính phủ có bố trí nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, để các đơn vị thực hiện.

Tại cuộc họp, ông Trần Công Kha – Phó TGĐ VRG, cho biết: Về miễn giảm tiền thuê đất đối với các công ty cao su trong năm 2021 và 2022, trong khi chờ Chính phủ, đề nghị các công ty có văn bản báo cáo khẩn cho Tập đoàn về mức độ tăng tiền thuê đất năm 2021, 2022. Để Tập đoàn có cơ sở gửi văn bản các tỉnh để đề nghị các tỉnh không tăng tiền thuê đất, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.


Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại Cao su Lộc Ninh

Trên cương vị Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Tập đoàn, ông Huỳnh Văn Bảo – TGĐ VRG đề nghị: Với trách nhiệm điều hành chung trong phòng, chống dịch Covid-19, tôi thấy rằng từ tháng 5 đến nay khi dịch diễn biến phức tạp, các đơn vị đã thực hiện có hệ thống, trách nhiệm, tích cực. Các đơn vị đã có nhiều giải pháp ứng phó để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, hiệu quả khả quan, đạt và vượt kế hoạch. Giá cao su thời gian qua khá tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị.

“Về vấn đề tiêm vaccine, nhiều đơn vị có tỷ lệ tiêm khá, như tại Công ty mẹ Tập đoàn, Cao su Dầu Tiếng, Bình Long, Lộc Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa, Trường Cao đẳng. Các đơn vị tiếp tục liên hệ địa phương và cơ quan y tế, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho NLĐ. Tập đoàn đã có văn bản gửi Bộ Y tế và các địa phương hỗ trợ tiêm vaccine cho NLĐ ngành cao su. Bên cạnh đó, đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện những giải pháp chung về phòng chống dịch với tinh thần cao hơn, mạnh hơn, để đạt mục tiêu kép. Tôi nghĩ rằng, với tình hình này sẽ còn kéo dài giãn cách xã hội, các đơn vị phải cố gắng phấn đấu với tinh thần trách nhiệm, linh hoạt, không mệt mỏi để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao” – ông Bảo đề nghị.


Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại Cao su Dầu Tiếng

Kết luận cuộc họp, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG chỉ đạo: Đề nghị các đơn vị lưu ý nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo. Tiếp tục thực hiện các thông báo trước đây của lãnh đạo Tập đoàn, của HĐQT Tập đoàn và văn bản của các đồng chí lãnh đạo phụ trách các lĩnh vực. Lãnh đạo Tập đoàn hết sức chia sẻ khó khăn vất vả của các đơn vị trong thời gian vừa qua, biểu dương sự nỗ lực, quết tâm rất lớn của các đơn vị đã chủ động, linh hoạt duy trì SXKD, nghiêm túc thực hiện phòng chống Covid-19, nỗ lực tìm kiếm nguồn vaccine cho NLĐ.


Quang cảnh cuộc họp trực tuyến ở Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su

“Trong thời gian tới, về phòng chống dịch, các đơn vị tiếp tục tìm kiếm nguồn vaccine để sớm tiêm ngừa cho NLĐ. Các đơn vị có kiến nghị gì thì phải có văn bản cụ thể gửi Tập đoàn. Ngay sau cuộc họp, các đơn vị phải có báo cáo gửi ngay Tập đoàn về tình hình tiêm vaccine cho NLĐ đến hết tháng 12/2021. Chủ động phối hợp thường xuyên với y tế để nâng cao hiệu quả chống dịch. Về SXKD, các đơn vị cần quyết liệt thực hiện, hoàn thành cao nhất kế hoạch năm 2021. Như số liệu báo cáo, hiện tại các đơn vị thực hiện rất tốt các chỉ tiêu. Các đơn vị ĐNB nên có sự phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên để hỗ trợ lẫn nhau. Các đơn vị tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư thiết bị, hạ tầng công nghệ. Theo chỉ đạo của Chính phủ, giảm chi phí hành chính tối thiểu 50%, các đơn vị nghiên cứu đưa vào các quỹ hỗ trợ khác để tái hỗ trợ các đơn vị khó khăn như Quỹ phòng, chống Covid-19” – ông Thuận đề nghị.


Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại Cao su Tân Biên

Hiện nay, tại khu vực Đông Nam bộ (ĐNB), Tập đoàn có 15 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến và kinh doanh mủ cao su; trong đó có 2 đơn vị sự nghiệp (Viện Nghiên cứu Cao su, Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su), 5 Công ty TNHH MTV (Đồng Nai, Dầu Tiếng, Phú Riềng, Bình Long, Lộc Ninh), 8 Công ty CP (Phước Hòa, Đồng Phú, Bà Rịa, Hòa Bình, Tây Ninh, Tân Biên, Phú Thịnh, Hàng Gòn); nằm trên địa bàn 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh.